Tất tần tật về phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
Trên hành trình khám phá về sức khỏe, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một chủ đề không ngừng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Bài viết này của An Phế Thái Minh sẽ đưa bạn đến với một thế giới kiến thức sâu rộng về COPD. Từ những dấu hiệu cảnh báo đến cách đối phó và điều trị hiện đại nhất, bài viết này sẽ cung cấp thông tin cần thiết để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, giúp bạn tự tin hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của mình.
Phổi tắc nghẽn mạn tính COPD là gì?
Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh lý có liên quan đến tình trạng viêm mạn tính ở phổi, gây ra tắc nghẽn đường thở dai dẳng không hồi phục. Bệnh thường tiến triển nặng dần theo thời gian và có căn nguyên chính là khói thuốc lá, thuốc lào, các phần tử khí độc hại.
Theo ước tính năm 2010, trên thế giới có khoảng 11.7% dân số mắc COPD. Tỷ lệ này đang tăng dần do sự già hoá dân số, ô nhiễm môi trường ngày càng nặng và tỷ lệ hút thuốc lá tăng ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Đinh Ngọc Sỹ và cộng sự trên trang Y học thực hành vào số tháng 2 năm 2010, tỷ lệ mắc COPD chung trong dân số là 2,2%, ở nam giới là 3,5 và nữ giới là 1,1%, riêng nhóm từ 40 tuổi trở lên có tỷ lệ mắc COPD lên tới 4.2%.
Cấu trúc phân nhánh nhỏ dần của phổi để thực hiện chức năng dẫn và trao đổi khí, cung cấp oxy cho mọi hoạt động sống của cơ thể
COPD gây ra gánh nặng kinh tế rất lớn không chỉ bởi chi phí điều trị cho người bệnh ngày càng tăng, tần suất nhập viện do cơn cấp càng về sau càng lớn, mà còn bởi sự giới hạn khả năng lao động của bệnh nhân cả về mặt thể chất lẫn giảm thời gian lao động do điều trị bệnh. Theo báo cáo của WHO năm 2017, COPD là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 trên Thế Giới với khoảng 3,2 triệu người chết.
Hậu quả của phổi tắc nghẽn mãn tính
Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là khói thuốc lá, bao gồm cả hút chủ động và hít khói thuốc thụ động. Theo Hội lồng ngực Hoa Kỳ (ATS), khoảng 15-20% số người hút thuốc mắc COPD và 80-90% số bệnh nhân COPD có nghiện thuốc.
Để tìm hiểu tác động của các phân tử độc hại đến phổi, trước hết, hãy nhìn lại vài đặc điểm cấu trúc phổi:
Phổi được cấu tạo chia nhánh tương tự như hình cái cây úp ngược, nên còn được gọi là cây phế quản với cấu tạo chia nhánh nhỏ dần khi càng đi sâu vào phổi. Hình dung, các nhánh cây trong cây phế quản đều rỗng ở giữa để không khí đi qua. Các đầu tận của nhánh nhỏ nhất có cấu trúc giống như chùm nho, tại đây, không khí được khuếch tán qua lại giữa bên trong và bên ngoài các “quả nho”, oxy được cung cấp vào máu tĩnh mạch phổi và CO2 được nhả vào trong các “quả nho” này để đưa ra ngoài.
Để hoạt động dẫn khí và trao đổi khí được diễn ra bình thường, thành của các ống dẫn khí này cần đảm bảo được sự thông thoáng cần thiết. Nó cũng cần thêm các yếu tố bảo vệ để chống lại vi khuẩn, virus, khói bụi… theo không khí đi từ ngoài vào. Vì vậy, phổi cũng là một trong các vị trí có sự hiện diện dày đặc của các chiến binh miễn dịch – tế bào bạch cầu.
Cấu trúc thông thường của đường hô hấp có một số đặc điểm như sau:
- Các tế bào biểu mô có lông chuyển giúp đẩy bụi bẩn, dị vật lên phía trên để loại đi theo đường tiêu hoá (nuốt xuống từ họng) hoặc hắt hơi, ho;
- Các tế bào hình cốc và tuyến tiết nhầy tiết một lượng chất nhầy vừa phải để khu trú bụi bẩn và tác nhân gây bệnh, phối hợp với chuyển động của lông chuyển loại chúng ra ngoài, đây là các yếu tố bảo vệ cơ bản của đường hô hấp bên cạnh hoạt động của các tế bào miễn dịch;
- Mô liên kết và cơ trơn, sụn khí/phế quản: định hình cấu trúc đường hô hấp, giữ cho lòng ống đường hô hấp mở để dẫn khí và trao đổi khí được bình thường. Tại các tiểu phế quản và tiểu phế quản tận, màng trao đổi khí rất mỏng và không có chứa sụn để có thể khuếch tán khí qua lại 2 bên màng một cách dễ dàng.
>>> Có thể bạn quan tâm: Phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân COPD
Khi chịu tác động của các phần tử khí độc hại, đường hô hấp sẽ có phản xạ bảo vệ bằng cách kích hoạt các tế bào bạch cầu và tạo phản ứng viêm để chống lại các tác nhân gây hại này. Nếu khói thuốc tiếp tục tấn công, quá trình viêm mạn tính xảy ra dai dẳng tại đường hô hấp khiến cấu trúc bình thường dần bị phá vỡ, chức năng hô hấp không được đảm bảo. Cụ thể:
- Cả tế bào hình ly và tuyến nhầy đều tiết chất nhầy nhiều bất thường => đường hô hấp có nhiều đờm nhầy;
- Thành đường thở bị viêm lâu ngày, tái cấu trúc nên dày dần lên, kết hợp với đờm nhớt làm hẹp lòng đường hô hấp => không khí đi qua lại khó khăn hơn, có tiếng khò khè, thở khó khăn hơn bình thường, chức năng thông khí bị giới hạn. Khi nghe phổi có tiếng ran bất thường;
- Lông chuyển ngắn hơn bình thường và giảm khả năng di động, khả năng tự vệ đường hô hấp giảm xuống; người bệnh dựa chủ yếu vào phản xạ ho để loại bỏ tác nhân xâm nhập => Bệnh nhân ho dai dẳng lâu ngày.
Với những biến đổi trên, bệnh nhân chủ yếu gặp các triệu chứng sau:
- Ho, đờm: diễn ra dai dẳng, lúc đầu có thể ho ngắt quãng, sau đó ho dai dẳng hoặc ho hằng ngày. Ho thường kéo dài ít nhất 3 tháng trong 1 năm và từ 2 năm liên tiếp. Ho khan hoặc có đờm, thường khạc đờm vào sáng sớm.
- Khó thở: nặng dần theo thời gian, ban đầu khó thở xảy ra khi gắng sức, sau đó khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục. Bệnh nhân phải cố gắng để thở, có cảm giác “khó thở, nặng ngực”, “cảm giác thiếu không khí, hụt hơi”, “thở hồn hển”. “thở khò khè”. Khó thở tăng khi gắng sức hoặc có nhiễm trùng đường hô hấp.
Để được chẩn đoán COPD, bệnh nhân cần được khai thác thêm các yếu tố dịch tễ (tuổi, tiền sử phơi nhiễm khói thuốc lá và khí độc), kết hợp triệu chứng lâm sàng và đo chức năng thông khí phổi. Nếu chức năng thông khí phổi giảm không hồi phục sau test phục hồi chức năng phổi thì có thể chẩn đoán COPD.
Viêm phế quản mãn tính, phổi tắc nghẽn mãn tính và khí phế thũng
Bên cạnh COPD, bệnh nhân có thể được chẩn đoán viêm phế quản mạn tính hoặc khí phế thũng. Trong đó, viêm phế quản mạn tính là tình trạng đường thở bị viêm, nhưng tình trạng hẹp, tắc và giảm chức năng thông khí phổi có thể chưa xảy ra. COPD có thể được coi là một loại viêm phế quản mạn tính khi viêm tiến triển lâu ngày dẫn đến hẹp và tắc ống dẫn khí.
Trong khi đó, khí phế thũng là giai đoạn sau cùng của cả 2 bệnh trên, lúc đó phế nang bị phá huỷ trở thành các túi chứa khí, một phần không khí đọng lại trong phổi không được trao đổi làm giảm đáng kể chức năng phổi của người bệnh. Đây là giai đoạn nặng nhất của viêm phế quản mạn tính hay COPD.
Phổi tắc nghẽn mạn tính là căn bệnh tắc nghẽn không hồi phục đường dẫn khí. Nếu ngoài cơn hen cấp, người bệnh hen có chức năng phổi bình thường, thì ở bệnh nhân COPD, chức năng phổi bị giảm dần theo thời gian và không hồi phục. Vì vậy, người bệnh rất cần chiến lược điều trị toàn bộ, không chỉ xử lý đợt cấp (cơn khó thở cấp) mà còn cần chiến lược lâu dài để hạn chế viêm nhiễm, làm chậm tiến triển bệnh và phòng ngừa đợt cấp.
Ngoài ra, các bệnh đồng mắc cũng cần được quan tâm điều trị, đặc biệt là bệnh tim mạch để tăng thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
Chiến lược điều trị cần dựa vào phân loại bệnh nhân (theo mức độ nặng/nhẹ của triệu chứng và nguy cơ xuất hiện đợt cấp). Tuy nhiên cần chú ý đến các khía cạnh sau:
- Giảm triệu chứng: các thuốc giảm triệu chứng như giãn phế quản, corticosteroid (chống viêm) giúp cải thiện triệu chứng đợt cấp, đặc biệtc là khó thở. Chúng thường được sử dụng dạng hít, khí dung.
- Giảm yếu tố nguy cơ, dự phòng đợt cấp: bao gồm cai thuốc lá, phục hồi chức năng phổi, tiêm vaccin phòng cúm, phế cầu để giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp đợt cấp.
- Thở oxy tại nhà: chỉ định trong trường hợp thiếu oxy (khí máu động mạch có PaO2 ≤ 55mmHg hoặc PaO2 ≤ 55mmHg từ 56 – 59mmHg nhưng kèm theo dấu hiệu suy tim phải và/hoặc đa hồng cầu và/hoặc tăng áp động mạch phổi đã được xác định.
Cai thuốc lá là yếu tố quan trọng đầu tiên giúp giảm tiến triển tự nhiên của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD. Ngoài cai thuốc chủ động, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc hỗ trợ cai dưới dạng miếng dán, viên nhai,… Bên cạnh đó, các bài tập thể lực và rèn luyện đều đặn giúp phục hồi chức năng phổi.