Phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân COPD

Trong hành trình chống lại bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), việc phục hồi chức năng hô hấp là một bước quan trọng. Bài viết dưới đây của An Phế Thái Minh sẽ khám phá các phương pháp hiệu quả để cải thiện sức khỏe của bạn qua việc tập trung vào hô hấp và vận động, cùng những thông tin hữu ích về chế độ ăn và lối sống lành mạnh. Hãy cùng khám phá những bước đầu tiên để hồi phục hệ thống hô hấp của bạn và tái khẳng định sức khỏe trong cuộc sống hàng ngày.

Nhịp thở bình thường và phản xạ bảo vệ đường hô hấp

Hoạt động hít thở bình thường bao gồm 2 thì: thì hít vào được thực hiện chủ động với sự trợ giúp của cơ hoành, thì thở ra là bị động dựa vào tính đàn hồi của nhu mô phổi. Ở thì hít vào, không khí đi từ mũi qua họng – thanh – khí quản vào phế quản và đi sâu vào hai phổi đến các phế nang để trao đổi khí. Ở thì thở ra, áp lực co lại của nhu mô phổi ép không khí đi ra ngoài theo chiều ngược lại.

Cơ hoành co lại và hạ thấp xuống, khoang ngực nở rộng, phổi tăng dung tích trong thì hít vào (trái). Cơ hoành trở lại vị trí ban đầu, phổi co nhỏ lại khi thở ra (phải).
Cơ hoành co lại và hạ thấp xuống, khoang ngực nở rộng, phổi tăng dung tích trong thì hít vào (trái). Cơ hoành trở lại vị trí ban đầu, phổi co nhỏ lại khi thở ra (phải).

Ngoài cơ hoành có vai trò rất quan trọng với hoạt động hô hấp (cơ hô hấp chính), thì cơ trơn hô hấp cấu tạo nên thành ống dẫn khí cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông khí. Các ống dẫn khí vào trong phổi có cấu trúc phân tầng nhỏ dần được gọi là cây phế quản. Các phế quản thông thường có lòng ống thông thoáng và có khả năng đàn hồi để không khí dễ ra vào, đồng thời có chứa tuyến tiết nhầy và lông chuyển ở bề mặt để tóm bắt và đẩy các phân tử kích thước lớn (bụi bẩn) đi lạc vào đường hô hấp

Cấu trúc thành đường hô hấp
Cấu trúc thành đường hô hấp với lông chuyển trên bề mặt tế bào biểu mô và tuyến tiết nhầy

Dịch nhầy đường hô hấp có tác dụng khu trú bụi bẩn rơi vào đường hô hấp sau đó loại ra ngoài bằng phản xạ ho/hắt hơi hoặc được lông chuyển đẩy ngược lên phía trên và được tống vào đường tiêu hóa. Đây là các phản xạ bảo vệ của đường hô hấp trước tác nhân gây bệnh trong môi trường. Khi người bệnh có viêm nhiễm xảy ra ở đường tiêu hóa, quá trình tiết đờm nhầy sẽ tăng lên bất thường tạo ra nhiều đờm nhầy.

Tùy vào loại đờm và khối lượng đờm tạo ra, nó có thể làm hẹp tắc lòng phế quản gây ra các tiếng thở bất thường (khò khè, các tiếng ran khi khám phổi) và/hoặc tạo môi trường thích hợp cho vi sinh vật phát triển khiến bệnh nhân thường xuyên tái phát viêm đường hô hấp cấp. 

Ngoài dịch nhầy, lông chuyển và các phản xạ, đường hô hấp cũng tập trung rất nhiều mô lympho chứa các tế bào miễn dịch. 

>>> Xem thêm:  Phân biệt hen phế quản và COPD

Phục hồi chức năng hô hấp ở bệnh nhân COPD

Phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân COPD bao gồm 2 khía cạnh chính sau:

  1. Giáo dục sức khỏe: tư vấn cai thuốc lá/thuốc lào, kiến thức về bệnh, sử dụng thuốc đúng cách (các dạng hít, xịt, khí dung,…) thở oxy đúng cách, chế độ dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng gầy sút, suy dinh dưỡng (một trong các biến chứng của COPD); 
  2. Vật lý trị liệu hô hấp: thực hành các kỹ năng cải thiện thông khí

Giáo dục sức khỏe

Cai thuốc lá: cai thuốc lá có ảnh hưởng lớn nhất đến tiến triển tự nhiên của bệnh. 90% bệnh nhân COPD có liên quan đến thuốc lá, viêm đường hô hấp mạn tính do tác động của thuốc lá và các phần tử độc hại là xuất phát điểm của các tổn thương trong COPD. Vì vậy, việc ngăn chặn tác động xấu của khói thuốc lên đường hô hấp sẽ làm giảm đi sự trầm trọng của bệnh. Tất cả bệnh nhân COPD đều cần được tư vấn cai thuốc lá, thuốc lào, tránh tiếp xúc với môi trường độc hại. 

Cai thuốc lá được hỗ trợ tốt bởi các dạng thay thế nicotin như miếng dán da, kẹo nhai, thuốc hít hoặc xịt mũi, ngoài ra có thể sử dụng các chất không nicotin như bupropion hay vareniclin. 

Cai thuốc lá

Cai thuốc lá để phục hồi chức năng hô hấp

Vật lý trị liệu hô hấp

Ở bệnh nhân mắc COPD, đường dẫn khí tắc nghẽn làm giảm hiệu quả hô hấp, không khí đọng trong phổi không được làm mới khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược dần. Ngoài ra, đờm nhớt đọng trong lòng phế quản khiến tình trạng tắc nghẽn ngày càng nặng lên. Vì vậy, bên cạnh việc dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng, các bài tập vật lý trị liệu giúp loại đờm nhầy và giảm khí cặn trong phổi góp phần cải thiện khả năng thông khí rất đáng kể. 

Phương pháp thông đờm làm sạch đường thở

Ho có kiểm soát

Ho thông thường là một phản xạ bảo vệ của đường hô hấp giúp tống vật lạ ra ngoài. Kỹ thuật ho có kiểm soát tận dụng phản xạ ho để loại khỏi đường hô hấp đờm nhày đọng trong phế quản, giúp làm thông thoáng đường thở. Tránh để người bệnh ho quá nhiều lần theo cách thông thường sẽ gây mệt, khó thở. 

Ho có kiểm soát

Phương pháp ho có kiểm soát loại bỏ đờm trong phế quản

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Ngồi trên giường hoặc ghế một cách thư giãn, thoải mái
  • Bước 2: Hít vào chậm và thật sâu
  • Bước 3: Nín thở trong vài giây
  • Bước 4: Ho mạnh 2 lần, lần đầu để long đờm, lần sau để đẩy đờm ra ngoài
  • Bước 5: Hít vào chậm và nhẹ nhàng, thở chúm môi vài lần trước khi lặp lại động tác ho. 

Tùy vào lực ho, người bệnh có thể cần vài lần để loại được đờm nhầy trong đường hô hấp ra ngoài. 

Kỹ thuật thở ra mạnh

Nếu bệnh nhân COPD yếu mệt, không đủ lực ho chủ động để tống đờm thì có thể thay thế bằng kỹ thuật thở ra mạnh, cách thực hiện như sau:

  • Bước 1: Hít vào chậm và đều
  • Bước 2: Nín thở vài giây
  • Bước 3: Thở ra mạnh và kéo dài
  • Bước 4: Hít vào nhẹ nhàng, hít thở đều vài lần trước khi lặp lại 

Lưu ý: để hỗ trợ thông đờm hiệu quả, người bệnh cần uống đủ nước hằng ngày (1-1,5 lít nước) và không nên dùng các loại thuốc ức chế ho, chỉ nên dùng thuốc loãng đờm, long đờm. 

Bảo tồn và duy trì chức năng hô hấp

Bên cạnh các bài tập để loại đờm, bệnh nhân nên kết hợp thêm bài tập thở để loại bớt khí đọng trong phổi, có như vậy người bệnh mới có thể hít thở được không khí trong lành từ bên ngoài và việc hít thở sẽ dễ dàng hơn. 

Bài tập thở chúm môi

Bài tập thở chúm môi giúp không khí đọng trong phổi dễ dàng thoát ra ngoài hơn do đường thở không bị xẹp lại nhiều ở thì thở ra.
Nguyên tắc thực hiện: 

  • Bước 1: Ngồi thoải mái, thả lỏng cổ và vai
  • Bước 2: Hít vào chậm qua mũi 
  • Bước 3: Môi chúm lại như đang huýt sáo, thở ra bằng miệng thật chậm sao cho thời gian thở ra dài gấp đôi thời gian hít vào. 

Bài tập thở chúm môi có thể hữu dụng trong việc làm giảm khó thở và người bệnh nên luyện tập nhuần nhuyễn để trở thành thói quen. 

Bài tập thở chúm môi.jpg

Bài tập thở chúm môi làm giảm khó thở

Bài tập thở hoành

Cơ hoành là một cơ vân lớn ngăn cách giữa lồng ngực và ổ bụng, là cơ hô hấp chính giúp thực hiện việc hít vào chủ động. Do tình trạng ứ khí trong phổi khiến hoạt động của cơ hoành bị hạn chế, dần dần sẽ yếu cơ. Điều này khiến thông khí phổi sẽ càng kém đi, các cơ hô hấp phụ phải tăng cường hoạt động. 

Thở hoành là bài tập giúp bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính COPD tăng hiệu quả hoạt động hô hấp với việc điều chỉnh hoạt động của cơ hoành. Kỹ thuật thực hiện như sau:

  • Bước 1: Ngồi thoải mái, thả lỏng cổ và vai
  • Bước 2: Đặt 1 bàn tay lên bụng và 1 bàn tay lên ngực
  • Bước 3: Hít vào chậm qua mũi sao cho bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phồng lên, lồng ngực không di chuyển 
  • Bước 4: Hóp bụng lại và thở ra chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và bàn tay trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống. 

Khi đã thành thạo thở hoành, bệnh nhân nên tập thở hoành ở các tư thế khác như đứng, nằm, đi bộ, làm việc nhà… và để việc thở hoành trở thành thói quen. 

Bên cạnh các bài tập thở và loại đờm, bệnh nhân COPD nên duy trì chế độ vận động phù hợp. Tập thể dục vừa giúp tăng lưu thông khí huyết, vừa tăng sức mạnh của các cơ bắp giúp hỗ trợ hô hấp tốt hơn. Tuy nhiên người bệnh nên tập bài tập vừa sức, từ nhẹ đến tăng dần cường độ và cần dừng lại nếu thấy khó thở. Một số bài tập được khuyến khích trên bệnh nhân như: các bài tập tay (nâng tạ, máy tập chi trên đa năng), các bài tập chân (xe đạp lực kế, thảm lăn, đi bộ trên mặt phẳng, leo cầu thang,…) 

Cập nhật lúc: 14/12/2023
*CẢNH BÁO* Hiện nay có một số đối tượng giả danh công ty Thái Minh để “lừa dối” khách hàng. Vì vậy, từ ngày 01/02/2022 THÁI MINH sẽ sử dụng số điện thoại duy nhất 0986.01.01.01 để liên hệ và chăm sóc khách hàng. Trân trọng!

Bài viết liên quan

Xem thêm »
Loading...