Phân biệt hen phế quản và COPD: Đừng nhầm lẫn kẻ thù
Hen phế quản và COPD đều là các bệnh mạn tính phổ biến ở đường hô hấp với nhiều đặc trưng giống nhau như viêm mạn tính niêm mạc đường hôp hấp và xuất hiện các cơn khó thở. Tuy vậy, đây là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau và cần được quản lý bằng các chiến lược tổng thể khác nhau bên cạnh việc xử lý triệu chứng cơn cấp (cả 2 bệnh đều cần dùng thuốc giãn phế quản để cắt cơn khó thở tức thời). Cùng An Phế Thái Minh tìm hiểu về 2 bệnh lý này ngay nhé!
Hen và đặc điểm bệnh hen
Hen phế quản là một bệnh lý rất đa dạng đặc trưng bởi viêm mạn tính đường thở. Hen gây ra các triệu chứng đặc trưng như khò khè, thở nông, bó hẹp lồng ngực và ho. Bệnh có thể kiểm soát được nhưng không thể điều trị khỏi.
Năm 2019, hen phế quản ảnh hưởng đến khoảng 262 triệu người và gây ra khoảng 461 nghìn ca tử vong trên toàn cầu. Tùy vào thể bệnh, hen có thể khởi phát khi còn nhỏ hoặc là khởi phát muộn ở tuổi trưởng thành.
Phần lớn các trường hợp bệnh hen có liên quan đến gen nhạy cảm và có tính chất dị ứng. Người bệnh dễ xuất hiện cơn hen sau khi tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ từ môi trường: các dị nguyên (tác nhân gay ra dị ứng) như lông thú vật, phấn hoa, bụi nhà; khói thuốc lá và ô nhiễm môi trường; thời tiết lạnh đột ngột hoặc stress,…
Các yếu tố khởi phát cơn hen thường gặp
Trong cơn hen, bệnh nhân khó thở đặc biệt là ở thì thở ra, có cảm giác bó nghẹt lồng ngực do co thắt phế quản. Tuy vậy sau cơn hen, đường thở được hồi phục và chức năng hô hấp được đảm bảo bình thường (trừ một số bệnh nhân thuộc tuyp bệnh hen có giới hạn đường thở cố định). Khả năng phục hồi chức năng hô hấp sau cơn cấp là đặc điểm quan trọng giúp phân biệt bệnh hen và phổi tắc nghẽn mãn tính. Các triệu chứng (mức độ nặng và tần suất) của bệnh hen rất thay đổi theo thời gian, trong khi đó bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính thường nặng dần và triệu chứng không có sự đảo ngược hay hồi phục theo thời gian.
Khi người bệnh có triệu chứng liên quan (ho đờm dài ngày, khó thở, đặc biệt là khi triệu chứng tăng nặng về đêm/gần sáng…) cần được chẩn đoán phân biệt, bác sỹ có thể chỉ định test phục hồi phế quản để phân biệt dựa trên nguyên lý sau:
- Bệnh nhân được đo chức năng hô hấp trước khi sử dụng thuốc;
- Sử dụng thuốc có tác dụng giãn phế quản (thường dùng salbutamol) sau khoảng 15 phút;
- Đo lại chức năng hô hấp;
- Chức năng hô hấp hồi phục đáng kế (thể hiện bằng FEV1 – dung tích thở ra tối đa trong giây đầu tiên, tăng từ 12% hoặc 200ml trở lên so với lần đầu tiên) chứng tỏ đường thở giới hạn có hồi phục – là đặc trưng của bệnh hen. Ngược lại, nếu chức năng hô hấp không thay đổi đáng kể so với trước khi dùng thuốc giãn phế quản thì bệnh nhân đang bị giới hạn đường thở không hồi phục do phổi tắc nghẽn mạn tính.
COPD và đặc điểm bệnh COPD
Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh thường gặp ở đường hô hấp đặc trưng bởi tình trạng tắc nghẽn không hồi phục đường hô hấp do viêm mạn tính gây ra bởi khói thuốc lá và các phần từ khí độc hại. Bệnh tiến triển nặng dần theo thời gian, khiến chức năng hô hấp của người bệnh càng ngày càng suy giảm. Các bệnh mắc kèm và đợt cấp ảnh hưởng đến mức độ nặng của bệnh.
>>> Đọc thêm: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD
Dưới ảnh hưởng liên tục của khỏi thuốc lá và/hoặc các phần tử độc hại trong môi trường, đường hô hấp sẽ bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, thứ tự lần lượt sẽ là:
- Viêm liên tục và tăng tiết đờm nhầy do viêm => ho, khạc đờm dai dẳng;
- Tái cấu trúc và tăng nhạy cảm đường hô hấp => dày thành đường hô hấp kết hợp cùng với nhày đờm nhiều gây hẹp, tắc dẫn đến khó thở và giới hạn chức năng thông khí;
- Giãn phế quản, phế nang và phá hủy nhu mô phổi gây mất dần thành phế nang, hình thành bóng kén khí trong phổi chứa khí cặn và không có chức năng trao đổi khí => khó thở nặng;
Tùy thuộc vào thời gian chịu ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng và đáp ứng của đường thở, người bệnh sẽ chịu một hoặc nhiều tổn thương cùng lúc thuộc các nhóm:
- Viêm phế quản mạn tính: biểu hiện bởi ho, khạc đờm dai dẳng. Bệnh nhân ho, khạc đờm liên tục trong ít nhất 2 năm, mỗi năm ít nhất 3 tháng được xếp vào nhóm viêm phế quản mạn tính. Chẩn đoán cần chú ý đến yếu tố nguy cơ (hút thuốc lá/thuốc lào, yếu tố nghề nghiệp,…)
- Khí phế thũng: khi phổi đã bị phá hủy, mất vách phế nang tạo thành túi chứa khí. Lúc này chức năng hô hấp của người bệnh bị ảnh hưởng nhiều do giảm diện tích trao đổi khí ở phổi. Về vị trí tổn thương, viêm phế quản mạn tính hoặc COPD chưa có khí phế thũng chủ yếu tổn thương ở đường dẫn khí, tổn thương phế quản; trong khí đó khí phế thũng thì tổn thương xuất hiện ở vị trí sâu hơn trong phổi – các phế nang, là nơi trao đổi khí.
Khác với biểu hiện đa dạng và thay đổi trong bệnh hen, bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính COPD có triệu chứng biểu hiện ở hầu hết thời gian, nặng dần và xen vào đó là các đợt tăng nặng hay đợt cấp cần được thay đổi điều trị (dùng tăng thuốc cắt cơn và/hoặc can thiệp hỗ trợ thông khí phổi).
Một số đặc điểm giúp phân biệt Hen phế quản và COPD được liệt kê ở bảng dưới:
Đặc điểm | Hen phế quản | COPD |
Dịch tễ/ thời gian khởi phát/ yếu tố nguy cơ | Gặp ở cả nam và nữ, người lớn và trẻ em, thường khởi phát sớm
Thường có yếu tố gia đình và liên quan đến cơ địa dị ứng |
Khởi phát muộn, thường gặp ở người trên 40 tuổi, nam nhiều hơn nữ
Yếu tố nguy cơ: hút thuốc lá/thuốc lào hoặc tiếp xúc thường xuyên với môi trường độc hại |
Triệu chứng đường hấp | Triệu chứng thay đổi theo từng giờ/phút
Tăng nặng vào đêm hoặc sáng sớm Khởi phát cơn hen khi có các yếu tố nguy cơ: gắng sức, chất ô nhiễm, chất gây dị ứng,… |
Có ngày khỏe có ngày mệt nhưng thường xuyên có triệu chứng ban ngày và khó thở ra
Ho khạc đờm mạn tính dai dẳng tiếp đến là khó thở liên tục, ít liên quan đến yếu tố khởi phát |
Chức năng phổi | Tắc nghẽn thông khí có hồi phục
Ngoài cơn hen: thông khí bình thường Bệnh không nặng dần theo thời gian, thay đổi theo mùa và có thuyên giảm sau khi điều trị bằng thuốc vài tuần |
Tắc nghẽn thông khí không hồi phục
Ngoài cơn cấp: vẫn tắc nghẽn thông khí Bệnh nặng dần theo thời gian |
Xquang phổi | Bình thường | Thâm nhiễm nặng (tăng mật độ nhu mô phổi do dịch viêm, tế bào viêm xâm nhập vào các khoang chứa khí) |
Điều trị | Dùng thuốc: có thể giảm liều/ giảm bớt thuốc khi tiến triển tốt
Tránh tác động của các yếu tố khởi phát: tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, tránh lạnh, hạn chế gắng sức, stress… |
Dùng thuốc: không khuyến cáo giảm liều/ giảm thuốc
Cai thuốc lá và tập phục hồi chức năng hô hấp có đóng góp lớn vào tiến triển tự nhiên của bệnh |