Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ăn gì để kiểm soát bệnh?
Bệnh phổi tắc nghẽn khi đến giai đoạn mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, mà chỉ có thể kiểm soát bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Vậy, người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ăn gì, kiêng ăn gì? Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin quý giá, giúp bạn hiểu rõ các thực phẩm nên và không nên ăn nhằm giảm các biến chứng, duy trì sức khỏe và tránh nguy cơ tử vong.
COPD là gì? Vai trò của chế độ ăn trong kiểm soát COPD
COPD là bệnh lý mạn tính ở phổi, gây tắc nghẽn đường thở. Bệnh thường gặp ở người trung niên và cao tuổi, đặc biệt là những người hút thuốc lá.
Bệnh COPD có thể dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu, bao gồm khó thở, ho, tức ngực, thở khò khè,... Những triệu chứng này có thể khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng.
Đối tượng mắc COPD chủ yếu là người hút thuốc lá thường xuyên
Theo Bs Trần Thị Trà Phương - Bác sĩ Dinh dưỡng tại hệ thống phòng khám Nutrihome cho biết, các thiếu hụt về dinh dưỡng sẽ gây ảnh hưởng đến khối cơ, mô mỡ và giảm chức năng hô hấp, khiến người bệnh suy kiệt. Tình trạng này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đáp ứng miễn dịch, tăng nhiễm trùng, từ đó khiến triệu chứng bệnh COPD nặng hơn.
Như vậy, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát COPD. Nếu tuân thủ chế độ dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, người bệnh COPD sẽ kiểm soát tốt bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống và ngược lại.
Vậy người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ăn gì? Nội dung dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc.
Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ăn gì?
Có rất nhiều lựa chọn có thể đưa vào chế độ ăn uống, tuy nhiên, dưới đây là những thực phẩm người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ưu tiên bổ sung:
Thực phẩm giàu protein
Phổi gặp trục trặc đồng nghĩa với hệ miễn dịch đang có vấn đề. Vì thế, để nâng cao hệ miễn dịch, người bệnh cần “đầu tư” vào nhóm thực phẩm giàu protein, chất lượng cao như: thịt gia cầm; thịt các loài động vật ăn cỏ, trứng. Đặc biệt, các loại cá béo như cá thu, cá hồi, cá mòi… sẽ giúp phổi vận hành hiệu quả hơn.
Nên bổ sung thực phẩm giàu protein trong chế độ ăn của người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Carbohydrate phức hợp
Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ăn các loại thực phẩm chứa carbohydrate phức hợp như: khoai tây nguyên vỏ, gạo lứt, chuối, cà rốt, hạt diêm mạch, lúa mạch, yến mạch và một số loại đậu,…
Nguyên nhân bởi, Carbohydrate phức hợp cung cấp năng lượng bền vững, giúp người bệnh duy trì năng lượng trong thời gian dài, ngăn ngừa mệt mỏi. Chưa kể, Carbohydrate phức hợp còn có khả năng hỗ trợ giảm viêm, bảo vệ phổi khỏi các tác nhân gây hại; từ đó góp phần cải thiện chức năng hô hấp.
Như vậy, bổ sung nhóm thực phẩm giàu Carbohydrate phức hợp là đáp án lý tưởng cho câu hỏi “bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ăn gì?”.
Các sản phẩm tươi
Rau quả, trái cây tươi là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ dồi dào, giúp người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) luôn khỏe mạnh. Các loại vitamin và khoáng chất này vừa có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ phổi khỏi các tác nhân gây hại, giảm viêm, vừa góp phần cải thiện chức năng hô hấp, tăng cường hệ miễn dịch,...
Mặt khác, sử dụng steroid - thuốc điều trị COPD lâu dài có thể làm tăng nhu cầu canxi của người bệnh. Do đó, người bệnh nên cân nhắc việc bổ sung thêm canxi từ các nguồn thực phẩm như sữa, các loại đậu, rau lá xanh đậm,...
Tốt nhất, người bệnh nên bổ sung vitamin D từ cá béo, trứng, sữa hoặc ánh sáng mặt trời (30 phút/ngày), điều này sẽ giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả hơn, hạn chế nguy cơ loãng xương, tăng nguy cơ gãy xương..
Người bệnh COPD nên bổ sung các sản phẩm tươi mỗi ngày
Thực phẩm giàu kali
Theo các chuyên gia, ion kali có vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng phổi. Kali giúp điều hòa nhịp tim, giảm viêm, bảo vệ phổi khỏi các tác nhân gây hại, cải thiện chức năng hô hấp,... Do đó, việc thiếu hụt kali có thể gây ra nhiều vấn đề về hô hấp, bao gồm tắc nghẽn phổi.
Đó cũng là lý do vì sao chế độ ăn cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường được khuyến khích tích cực bổ sung kali như: các loại rau xanh lá đậm, cà chua, củ dền, bơ, măng tây, chuối, cam…
Chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh từ cá và thực vật, như bơ, dầu dừa, ô liu, phô mai, cá béo và các loại hạt có thể giúp người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hạn chế lượng CO2 trong máu. Đồng thời, các thực phẩm này cũng cung cấp nguồn năng lượng dồi dào và dinh dưỡng tổng thể cao hơn nếu dùng lâu dài.
Ngược lại, người bệnh COPD nên hạn chế chất béo có nguồn gốc động vật, như gà, vịt, heo, bò, và không nên ăn quá 300mg các chất béo có chứa cholesterol mỗi ngày.
Ưu tiên bổ sung chất béo tốt để cải thiện tình trạng COPD
Chất xơ
Trong chế độ ăn hàng ngày, người bệnh COPD cần bổ sung đủ lượng chất xơ cần thiết (từ 21 - 38g/ngày). Bởi, chất xơ đóng vai trò quan trọng, giúp ổn định nhu động ruột và chống lại ung thư ruột kết. Bên cạnh đó, cũng giống khi tiêu thụ các sản phẩm tươi, chế độ ăn nhiều chất xơ cũng có liên quan đến chức năng phổi; giúp phổi hoạt động tốt hơn và giảm các triệu chứng hô hấp ở những người bị COPD.
Thực phẩm giàu chất xơ mà người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ăn bao gồm rau, đậu, cám, sữa chua nguyên chất, ngũ cốc nguyên hạt, gạo, mì ống làm từ lúa mì và các loại trái cây tươi.
>>> Có thể bạn quan tâm: Phục hồi chức năng hô hấp cho bệnh nhân COPD
Các thực phẩm nên hạn chế khi mắc COPD
Bên cạnh những thực phẩm có lợi, nên bổ sung hàng ngày, thì việc tìm hiểu bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính kiêng ăn gì cũng vô cùng quan trọng. Bởi, nếu không lựa chọn cẩn thận, một số loại thực phẩm có thể gây đầy hơi, chướng bụng, ảnh hưởng không tốt đến phổi.
Dưới đây là 6 loại thực phẩm mà người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần hạn chế trong chế độ ăn hàng ngày của mình.
Muối
Người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên kiêng ăn thực phẩm chứa nhiều natri hoặc muối.
Cụ thể, muối được xem là nguyên nhân chính gây ra tình trạng giữ nước, tác động tiêu cực đến huyết áp và tăng gánh nặng cho tim của người bệnh COPD. Theo các chuyên gia, trong mỗi bữa ăn không nên chứa quá 300mg muối và toàn bộ các bữa ăn trong ngày không nên vượt quá 600mg muối.
Người bệnh COPD cần hạn chế tiêu thụ muối trong bữa ăn
Phần lớn lượng natri đến từ muối và các thực phẩm hàng ngày. Do đó, bạn cần kiểm tra kỹ thông tin dinh dưỡng của thực phẩm để biết hàm lượng natri của chúng. Ngoài ra, bạn cũng có thể thay thế muối và natri bằng các loại thảo mộc, gia vị không chứa muối.
Nếu cần, bạn có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng về những thực phẩm thay thế có hàm lượng natri thấp.
Trái cây có hạt cứng
Không phải loại trái cây nào cũng tốt cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Một số loại trái cây hạt cứng như đào, mơ, dưa,... có thể gây ra tình trạng đầy hơi, chướng bụng do carbohydrate bị lên men trong đường tiêu hóa. Về lâu dài, điều này dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về đường hô hấp ở những người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Một vài loại rau họ đậu
Đối với một số ít trường hợp, các loại rau và cây họ đậu như: cải bắp, cải Brussel, ngô, súp lơ, đậu lăng, tỏi tây, hành có thể tạo khí gas, gây nên tình trạng đầy hơi khi sử dụng. Do đó, người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên hạn chế tối đa các loại rau này trong chế độ ăn hàng ngày.
Tuy nhiên, nếu không gặp bất kỳ vấn đề gì, bạn vẫn có thể tiêu thụ những loại rau, đậu kể trên.
Một số loại rau họ đậu có thể không tốt cho sức khỏe của người bệnh COPD
Một số sản phẩm từ sữa
Tương tự như khi tiêu thụ các loại cây họ đậu, một số trường hợp sử dụng phô mai, bơ hoặc các sản phẩm từ sữa khác có thể khiến chất nhầy trong phổi đặc hơn. Đây cũng được xem là nguyên nhân khiến sức khỏe người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngày một trầm trọng.
Tuy nhiên, nếu đã sử dụng những sản phẩm từ sữa kể trên nhưng không khiến đờm đặc hơn, bạn vẫn có thể cân nhắc bổ sung chúng một cách điều độ trong chế độ ăn uống của mình.
Chocolate
Chocolate cũng là một trong những thực phẩm mà người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không nên ăn hoặc cần hạn chế ăn. Bởi, trong chocolate chứa rất nhiều caffeine, có thể gây ảnh hưởng xấu đến những loại thuốc dùng để điều trị COPD. Do đó, tùy vào tình trạng cụ thể mà người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên hạn chế sử dụng chocolate, hoặc tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để sử dụng một cách hợp lý nhất.
Đồ chiên
Khi nhắc đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính kiêng ăn gì, thật không thể bỏ qua đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên, xào, nhiều mỡ,... Đây đều là những thực phẩm chứa nhiều chất béo không lành mạnh, gây tình trạng khó tiêu, đầy hơi.
Đặc biệt, ăn quá nhiều đồ chiên dầu còn ảnh hưởng trực tiếp đến hơi thở và cân nặng, làm tăng gánh nặng cho phổi. Do đó, người bệnh COPD nên kiêng, hoặc giảm thiểu tối đa việc tiêu thụ đồ chiên nhất có thể.
Giảm thiểu đồ chiên rán giúp cải thiện sức khỏe phổi cực hiệu quả
Khuyến nghị về chế độ ăn cho người bệnh COPD
Sau khi đã tìm hiểu bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên ăn gì kiêng ăn gì, dưới đây là một số khuyến nghị về chế độ ăn cho người bệnh COPD:
- Uống nước đầy đủ (từ 2 - 3 lít/ngày): Uống đủ nước giúp giữ ẩm cho đường hô hấp, làm loãng đờm, ngăn ngừa viêm và giảm tắc nghẽn ở phổi.
- Hạn chế nước có gas, cồn và cafein: Cà phê, soda, nước tăng lực, trà, rượu,... đều có thể phản ứng với cơ thể như chậm nhịp thở, ảnh hưởng đến thuốc điều trị tắc nghẽn mạn tính, khó khạc đờm, khó tiêu, tức bụng dẫn đến khó thở.
- Theo dõi cân nặng: Người bệnh COPD thường có xu hướng thiếu cân, do đó chế độ dinh dưỡng được xem là một phần quan trọng trong quá trình điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính. Nếu thừa cân, người bệnh cần thiết lập kế hoạch ăn uống, luyện tập và nghỉ ngơi phù hợp. Ngược lại, khi thiếu cân, người bệnh nên bổ sung thêm các chất dinh dưỡng lành mạnh, nhiều calo để cải thiện cân nặng.
- Chia thành nhiều bữa nhỏ: Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không nên ăn quá no trong một bữa mà nên chia thành 5 - 6 bữa ăn nhỏ trong ngày. Điều này giúp hạn chế làm đầy dạ dày một cách quá mức, như vậy phổi mới có đủ chỗ để mở rộng và việc thở sẽ trở nên dễ dàng hơn.
- Ăn thức ăn mềm: Khi chế biến thức ăn cho người bệnh COPD, thực phẩm cần được làm nhừ để dễ nhai, tránh tình trạng phải gắng sức khi ăn, giảm nghẹn và tăng cường khả năng hấp thu dinh dưỡng. Hơn nữa, khi ăn, người bệnh nên ăn từng miếng nhỏ, nhai chậm và kỹ.
Người bệnh COPD nên ưu tiên ăn đồ ăn mềm
- Ăn sáng từ sớm: Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên cố gắng ăn bữa sáng sớm nhất có thể, để có thêm nhiều năng lượng cho các hoạt động trong suốt cả ngày
- Tư thế ngồi ăn: Tư thế khi ăn là một yếu tố quan trọng mà người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD cần lưu ý. Khi ăn, người bệnh COPD nên ngồi trên một chiếc ghế cao, lưng thẳng, thoải mái, để hạn chế áp lực từ ổ bụng lên cơ hoành, tránh gây khó thở.
- Sử dụng muối điều độ: Người bệnh COPD bị tăng huyết áp hoặc phù nề nên hạn chế và giảm lượng muối cung cấp cho cơ thể hàng ngày, chỉ nên tiêu thụ dưới 2.300 mg muối mỗi ngày.
- Sử dụng thảo mộc tươi: Việc sử dụng thêm các loại gia vị, thảo mộc tươi có thể giúp tăng cường hương vị tự nhiên của thực phẩm, từ đó làm giảm sự phụ thuộc của người bệnh COPD vào muối.
- Sử dụng chất làm ngọt tự nhiên: Những thực phẩm chứa nhiều chất ngọt tự nhiên như mật ong, gừng hoặc quế có thể được sử dụng để thay thế đường, giúp giảm lượng đường nạp vào cơ thể. Ăn quá nhiều đường, lượng đường dư thừa có thể làm tăng nguy cơ bị phù nề.
- Chuẩn bị kế hoạch ăn kiêng linh hoạt: Hãy bắt đầu xây dựng chế độ ăn kiêng dựa trên danh sách các loại thực phẩm mà bạn thích ăn, nhưng cần đảm bảo các nguyên tắc như: không gây dị ứng, hen suyễn và hạn chế thực phẩm đóng hộp.
Tóm lại, việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp là một trong những yếu tố quan trọng giúp người bệnh COPD kiểm soát các triệu chứng của bệnh, cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng.
Hy vọng với các thông tin trên, bạn đã nắm được bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ăn gì, kiêng ăn gì. Ngoài ra, để biết thêm thông tin chi tiết về bệnh COPD và các phương pháp cải thiện an toàn, vui lòng tham khảo bài viết liên quan trên website https://anphethaiminh.com/ của chúng tôi.